Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

GÓT TRẦN ĐÊM ẤY BƠ VƠ - Hoàng Thanh Trang

GÓT TRẦN ĐÊM ẤY BƠ VƠ
                                        Hoàng Thanh Trang
Một ngày đất chạm vào mưa
Cái cần câu nhớ cong vừa vặn môi.
Đốt lòng cho cái dạ vui
Lại bươn ra ánh mắt người tròn xoe.
  Sông ì oạp cái le te
Đo gang đếm tấc vàng hoe bóng chờ.
  Quệt chiều dắt díu vào thơ
Nghe lưng lửng thắt cái bờ bợ đau.
Níu hoàng hôn chuyển gam màu
Đêm chia chác cái nát nhàu. Thời gian.
Đổ mòng mọng với ngày tan
Mưa bưng bức sốt. Cái nhàn nhạt qua.
  Gắp buồn nay- bỏ ngày xa
Cong chênh chếch cái gót ngà lấm lem.
  Tay vừa bóc chữ ra xem
Đã thăm thẳm gió, đuổi khen khét mùa…
Bong ngày nẵng ưỡn thành trưa
Vắng trăng hóa bóng đêm từa tựa nhau...
  Khum lưng cãi chiếu chăn thừa
Đanh đanh tia mắt chạnh mùa nhớ quên.
  Đã đành mây tận cùng đêm
Vẫn thua tiếng gõ bên thềm. Cô đơn.
  Đừng ta. Têm nữa giận hờn
Theo trăng. Vấp ngã. Rụng buồn là xong….
       Thơ lục bát bắt nguồn từ rất sớm, từ tục ngữ, ca dao, dân ca mà ra. Có thể nói ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, thơ lục bát đã là những bài hát ru quen thuộc theo tôi vào trong từng giấc ngủ bên cánh võng thủa nào. Khi lớn thêm một chút thì tôi không còn bắt mẹ tôi hát ru nữa mà bắt bà kể chuyện cho tôi nghe mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi vẫn nhớ như in mẹ tôi ru cậu em út nhà tôi ngủ như này:
“...Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...”
Đối với tôi, thơ lục bát chỉ có vậy, ngọt ngào như giọt sữa còn đọng trên môi, êm ái như lời ru của mẹ và thanh bình như tiếng võng kẽo kẹt mỗi buổi trưa hè. Thơ lục bát càng dản dị về câu từ càng dễ đi vào lòng người, hay nói cách khác là càng quê thì càng nhớ lâu. ..Đấy, kiến thức về thơ lục bát của tôi nó nghèo nàn như vốn sống của tôi vậy.
       Khi mới đọc bài thơ lục bát này của Trang, tôi cứ nghĩ lục bát gì mà khó hiểu thế, đọc lần thứ nhất, thứ 2....rồi đến lần thứ 8 tôi mới hiểu được đôi chút, nói chung là nó giống bức tranh trừu tượng nhiều hơn. Từng lớp, từng mảng, từng khối đè lên nhau khiến cho người xem muốn hiểu hết thì phải bóc tách nó ra từng lớp từng mảng một. Tùy biến trong thơ lục bát thì cũng nhiều, nhất là về cấu trúc hoặc kết hợp nhiều thể với nhau, thế nhưng thơ của Trang không hề lạm dụng những tùy biến đó mà ngược lại có bố cục rất chặt và không có ai có thể thêm vào hay bớt đi được một câu một chữ. Các cặp câu chữ này cứ so kè cùng nhau, dắt díu nhau lần lượt xuất hiện trong thơ của Trang như là một sự sắp đặt khéo léo theo thứ tự về không gian và thời gian, lồng vào trong đó là nỗi buồn khắc khoải theo từng giờ từng phút cô đơn đợi chờ cho đêm trắng chóng qua.
Quệt chiều dắt díu vào thơ
Nghe lưng lửng thắt cái bờ bợ đau.
  Níu hoàng hôn chuyển gam màu
Đêm chia chác cái nát nhàu. Thời gian.
  Đổ mòng mọng với ngày tan
Mưa bưng bức sốt. Cái nhàn nhạt qua.
  Bằng việc kết hợp giữa các cặp từ láy với nhau như  le te, lưng lửng, bờ bợ, mòng mọng, bưng bức, nhàn nhạt, chênh chếch, thăm thẳm, khen khét, từa tựa, đanh đanh...” khiến cho lục bát của Trang rất phong phú về mặt câu, chữ và có thể nói là có vốn từ rất “giàu”, kết hợp cách sử dụng đúng lúc, đúng chỗ một cách khéo léo vừa vặn mà không lạm dụng làm cho thơ có ý tứ khó lường, ẩn chứa sự sâu sắc, đanh đá của người đàn bà đang độ chín.
                      
                                                   
                                                                                                                      tranh
Thành Chương
       Có thể nói Bài thơ được chia thành hai phần rõ rệt, phần đầu như là mô tả một người đàn bà mộng du, phần sau lại trở về với thực tại. Phần đầu “phiêu” bao nhiêu thì phần sau lại thực tế bấy nhiêu, cái thực tế rất bản năng, rất đàn bà.
Khum lưng cãi chiếu chăn thừa
Đanh đanh tia mắt chạnh mùa nhớ quên.
Đã đành mây tận cùng đêm
Vẫn thua tiếng gõ bên thềm. Cô đơn.
  Đừng ta. Têm nữa giận hờn
Theo trăng. Vấp ngã. Rụng buồn là xong….
       Hai câu cuối của bài thơ và cũng là hai câu kết giống như cặp phạm trù Nguyên nhân - Kết quả, như cái mốc hay cái ngưỡng của sức chịu đựng. Theo tôi, có lẽ nó giống như lời tuyên bố, lời thề của tác giả thì đúng hơn, một lời thề rất bản năng, rất đàn bà, nghe có vẻ cứng rắn nhưng lại thật yếu đuối
           Đừng ta.
                  Têm nữa
                           giận hờn
                                 Theo trăng.
                                            Vấp ngã.
                                                     Rụng buồn
                                                                  là xong….
        Có thể nói bài thơ này của Trang giống như một bức tranh trừu tượng phần đầu là những nét vẽ huyễn hoặc trên nền của phần sau và cũng là hồn của bức tranh giống như tranh của Thành Chương vậy, nhiều màu sắc, mảng khối và ẩn chứa trong đó nhiều ý nghĩa sâu xa.
  P/S: Những nhà khí tượng học mà đọc bài thơ này của Trang thì có mà dự báo sai hết, tốt nhất là không nên đọc, còn đối với tôi thì chứ “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa...” cho nó chắc ăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét